EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-strict.dtd"> Cúc dùi trống

Cúc dùi trống

Cúc dùi trống, Rau chuôi, Lưỡng sắc lá nguyên - Dichrocephala bicolor (Roth), Schlecht. (D. latifolia Lam.) DC.), thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, cao 10-60cm, phân nhánh có rãnh, có lông ngắn. Lá mỏng, phiến xoan ngược, hình dàn lia thon hẹp ở gốc, có răng thuỳ, dài 4-8 cm, rộng 2-3cm. Cụm hoa là những chuỳ ở nách hay ở ngọn, ít hoa; đầu hoa hình cầu trắng, to cỡ 4-5mm, có 7-8 dây hoa cái; còn các hoa lưỡng tính có ít và tập trung ở giữa; lá bắc nhiều, hình trái xoan, nhọn. Quả bế hình bầu dục, dẹp, dài 1,25mm, có vòng mép khá rõ.

Ra hoa tháng 1-2, có quả tháng 2-3.

Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Dichrocephalae Bicoloris.

Nơi sống và thu hái: Thường gặp ven đường, bãi cát, ruộng hoang, vùng núi cao và trung du miền Bắc của nước ta tới các tỉnh Tây Nguyên. Còn phân bố ở nhiều nước Đông Nam Á. Thu hái toàn cây vào mùa hè, rửa sạch, dùng tươi hay phơi và sấy khô để dùng dần.

Tính vị, tác dụng: Cúc dùi trống có vị đắng và chua cay, tính bình; có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng, lợi tiểu và làm toát mồ hôi.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá và ngọn non nấu canh ăn được. Ta thường dùng toàn cây với liều 10-15g sắc uống chữa kinh nguyệt không đều, bong gân. Dùng ngoài giã cây tươi đắp trị đinh nhọt, rắn cắn. Ở Campuchia, các cây non được dùng sắc nước phối hợp với các vị thuốc khác để rửa cơ quan sinh dục nữ khi bị bệnh lậu, khí hư, và các vết đốt, vết cắn của sâu bọ, nhện và bò cạp. Ở Inđônêxia (Java) người ta dùng nước sắc các chồi hoa làm thuốc uống cho ra mồ hôi và lợi tiểu. Ở Trung Quốc (Hải Nam), người ta dùng cả cây trị cảm sốt, đau bụng ỉa chảy, viêm gan, viêm họng, lở miệng, bắp thịt nung mủ, mẩn ngứa.

Đơn thuốc:

1. Bong gân, dùng bột Cúc dùi trống 5g uống với rượu, đồng thời giã cây tươi đắp ngoài.

2. Đinh nhọt; giã cây tươi, thêm gạo, muối, dùng đắp ngoài 2-3 lần trong ngày.



http://www.caythuoc.net/cay-thuoc/9999/946
http://chothuoc24h.com