EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-strict.dtd"> Tô hạp cao

Tô hạp cao

Tô hạp cao, Tô hạp lá tim - Altingia excelsa Noronha, thuộc họ Sau sau - Altingiaceae.

Mô tả: Cây gỗ lớn, cao đến 30m. Lá có phiến bầu dục thon hay xoan thon, dài 6-8cm, rộng 3-4cm, đầu nhọn có mũi, gốc tròn hay hình kim, dai cứng, không lông cả hai mặt, có khi có lông ở gân chính mặt dưới, mép có răng nhỏ, cuống dài 1-3cm. Cụm hoa trên cuống 3cm, hình cầu, hoa không có cánh hoa. Quả nang dính thành đầu hình chuỳ lật ngược; hạt có cánh.

Mùa hoa tháng 2-3, quả tháng 4-7.

Bộ phận dùng: Nhựa - Latex Altingia Excelsae.

Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Malaixia. Ở nước ta, cây mọc ở Lào Cai, Yên Bái, trong các rừng thường xanh có lượng mưa khá cao; thường mọc ở chân và sườn núi. Ðể lấy nhựa, người ta có thể chích nạo vỏ cây cho nhựa chảy ra và hứng lấy nhựa như hứng nhựa Thông. Hoặc dùng dao sắc thiến sâu từng khoang vỏ vào mùa hè, được một vài tháng ra nhựa, vỏ hơi héo, thì nạy bỏ vỏ, chẻ nhỏ đun sôi cho dầu nổi lên trên nước mà gạn chắt lấy. Dầu đặc sệt, màu nâu xám.

Thành phần hoá học: Nhựa chứa benzaldehyd và aldehyd cinnamic.

Tính vị, tác dụng: Nhựa rất thơm. Dầu Tô hạp có vị ngọt, tính hơi ấm, mùi thơm, có tác dụng lợi trung tiện, làm long đờm, giúp tiêu hoá, trừ scorbut.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, nhựa được dùng trị ghẻ và bệnh bạch bì.

Ở nước ta, lương y Lễ Trần Ðức cho biết dầu Tô hạp được dùng trừ bệnh truyền nhiễm, trị bệnh thời khí thổ tả, sốt rét cơn ác tính, trúng phong, trúng khí độc bị ngất, cắn răng, rược đờm, kinh giản, ho cơn hen suyễn. Liều dùng 0,4-1,2g, phối hợp với các vị khác.

Dùng dầu Tô hạp trộn với bột An tức hương vừa đủ đặc, làm viên bằng ngón tay, ngoài lăn Chu sa làm áo, cất kín. Khi bị bệnh, mài với rượu hay nước nóng cho người bệnh uống mỗi lần 0,5-0,8g, ngày dùng 4-5 lần. Ngoài dùng xoa mũi, ngực, rốn và lòng bàn chân.



http://www.caythuoc.net/cay-thuoc/9999/2880
http://chothuoc24h.com