EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-strict.dtd"> Dền canh

Dền canh

Dền canh, Dền tía, Dền đỏ - Amaranthus tricolor L., thuộc họ Rau dền - Amaranthaceae.

Mô tả: Cây thảo mọc đứng, cao 1m hay hơn, xẻ rãnh. Lá hình thoi hay hình ngọn giáo, dài 3,5-12cm, rộng 2,5-10mm. Hoa thành ngù ở nách lá, hình cầu. Các hoa ở phía trên sít nhau hơn và tận cùng thân hay cành bằng một bông gần như liên tục. Quả hình túi nhẵn, hình trứng-nón, dài 2mm, có núm vòi nhuỵ ở phía trên dài 1mm, mở thành một khe ngang. Hạt hình lăng kính, đường kính 1mm, màu đen.

Bộ phận dùng: Toàn cây và hạt - Herba et Semen Amaranthi.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Ấn Độ, đã được thuần hoá ở các nước nhiệt đới; ở nước ta, Dền canh đã được trồng làm rau ăn. Do trồng trọt mà có nhiều thứ tuỳ theo dạng cây, màu sắc của lá. Có thể thu hoạch toàn cây quanh năm, dùng tươi.

Thành phần hoá học: Trong Dền canh, có các thành phần tính theo g%: nước 69,2; protid 1,7; glucid 1,9; cellulose 0,8; khoáng toàn phần 1,4; và theo mg%: calcium 75; phosphor 34,5; caroten 1,44; B1 0,03; B2 0,10; PP 1,0 và vitamin C 26. Hạt Dền canh chứa 62% tinh bột và 6% chất béo. Ở Cuba, có loại rau dền đỏ mà hạt có vị như hạt hồ đào, dùng để làm bánh hoặc cho thêm vào bột mì để cải tạo chất lượng bánh. Lá của chúng chứa nhiều vitamin A, C, B2, PP; lá và hạt chứa hàm lượng protid rất cao, tới 16-18%, trong đó acid amin quan trọng là lizin của nó cao hơn ở ngô gấp 3-3,5 lần, hơn bột mì 2-2,5 lần. Hạt của rau dền này là loại lương thực có giá trị hơn lúa mì, ngô, lúa và đậu tương.

Tính vị, tác dụng: Dền canh có vị ngọt, se, tính mát; có tác dụng lợi khiếu, sát trùng. Hạt Dền canh có vị ngọt, tính lạnh; có tác dụng làm mát gan ích khí lực. Lương y Việt Cúc viết về cây này như sau: Dền tía ngọt, mát, khí hàn, mát huyết và bàng quang, nhuận táo, giải ban nhiệt.

Dền tía ngọt, hàn, lượt máu tươi,

Mát tâm, nhuận huyết, thảnh thơi người.

Bàng quang uất nhiệt tiểu thường gắt,

Lương giải nóng mê, ban trái lui.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cành lá Dền canh dùng làm rau ăn luộc, xào hay nấu canh vì thân của chúng khi còn non, mềm và mọng nước. Ăn rau dền canh lợi đại tiểu tiện và còn dùng trị lỵ. Cũng dùng trị nọc độc ong, rắn rết cắn, dị ứng, lở sơn. Ở Ấn Độ, người ta dùng trị rong kinh, ỉa chảy, lỵ và xuất huyết ở ruột. Dùng ngoài tán bột hay giã đắp các vết lở loét.

Hạt Dền canh dùng chữa phong nhiệt, mắt có mộng trắng, mắt mờ, có hoa đen. Dùng 10g hạt tán bột uống với nước sắc hạt muồng ngủ (Thảo quyết minh) 12g làm thang. Hạt Dền canh có ích cho khí lực, uống lâu thì không đói. Nó còn có tác dụng thông đại tiểu tiện và còn có tác dụng trừ giun đũa. Rễ Dền canh phối hợp với rễ Bí ngô sắc nước uống để ngăn chặn xuất huyết gây nôn do sẩy thai. Dân gian vẫn dùng Dền canh làm rau ăn vừa làm thuốc giải nhiệt, sáng mắt, lợi tiểu, lợi đại tiện và trừ nóng rét.



http://www.caythuoc.net/cay-thuoc/9999/221
http://chothuoc24h.com